FOMO - BẠN KHÔNG BIẾT MÌNH ĐÃ BỎ LỠ GÌ ĐÂU
Chắc rằng chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh bạn bè và cả chính bản thân luôn cầm chiếc smartphone chỉ vì không muốn bỏ lỡ những cập nhật mới từ facebook, insta hay bỏ qua thời điểm vàng săn flash sale mỗi ngày. Đặc biệt, trong khoảng thời gian đầy căng thẳng gần đây, chắc chắn bạn sẽ không muốn bản thân nắm bắt quá trễ những tin tức nóng hổi mùa Covid. Đó là FOMO - một hội chứng tâm lý đang cực kỳ phổ biến ở gen Z ngày nay.
FOMO - một khái niệm mới
FOMO, viết tắt của Fear Of Missing Out - nghĩa là "Nỗi sợ bị lãng quên". Thuật ngữ này dùng để miêu tả những người có cảm xúc sợ hãi về việc bản thân sẽ bỏ lỡ cơ hội giao tiếp xã hội, nắm bắt thông tin, trải nghiệm mới lạ, thú vị hay một sự kiện đáng nhớ, một khoản đầu tư sinh lời.
Hội chứng này đang xảy ra rất phổ biến ở gen Z khi mà ta liên tục nhìn thấy hình ảnh bạn bè thức trắng đêm chỉ để canh những voucher giảm giá “khủng” từ Shopee. Hay ngay trong chính thời điểm thực hiện chỉ thị 16, mỗi ngày chúng ta, gia đình và bạn bè hầu như luôn sốt ruột, nôn nóng mỗi khi tới giờ phát bản tin thời sự, bản tin cập nhật tình hình covid trên báo chí, tivi, mạng xã hội.
Ảnh hưởng đến chúng ta: Những lúc chúng ta sợ rằng mình đã bỏ lỡ điều gì đó, tâm lý ta sẽ bắt đầu hoang mang, lo lắng rằng bản thân sẽ tụt lại phía sau. Chính vì vậy, tự chúng ta sẽ đem đến những rắc rối cho bản thân mình.
Không thể rời điện thoại trong mùa giãn cách: Giãn cách xã hội - ai ở đâu ở yên đó do sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đã làm giảm các cơ hội giao tiếp xã hội, tác động đáng kể đến đời sống tinh thần của con người. Vì vậy đã dẫn đến việc chúng ta sử dụng các thiết bị thông minh nhiều hơn nhằm duy trì các mối quan hệ cũng như gắn kết với cuộc sống bên ngoài.
Không thể từ chối: Bạn sẽ chìm đắm trong những sự nhờ vả của người khác bởi bạn lo rằng nếu từ chối sẽ bỏ lỡ cơ hội thăng tiến trong công việc nhưng hầu như việc những suy nghĩ đó trở thành hiện thực là cực kì thấp.
Mất tập trung trong công việc : Hiệu ứng FOMO có thể khiến bạn ngừng công việc để trả lời cuộc gọi hoặc email không liên quan hoặc không quá quan trọng. Hơn nữa, bạn cũng liên tục kiểm tra điện thoại và không tập trung làm việc vì sợ mình sẽ bỏ lỡ một cuộc gọi hoặc một tin nhắn đến.
Mua đồ xa xỉ không cần thiết: Nếu có thể, bạn chắc chắn sẽ mua chiếc điện thoại đời mới hay chạy theo mốt thời trang vì sợ không bắt kịp xu hướng.
Có quá nhiều mối quan hệ không quan trọng: Đôi khi bạn chấp nhận yêu cầu kết bạn của mọi người chỉ vì muốn có cơ hội biết thêm người mới và mở rộng mối quan hệ. Bạn hẹn hò chỉ để giống mọi người: Khi thấy mọi người xung quanh đang hạnh phúc trong mối quan hệ, hiệu ứng FOMO sẽ khiến bạn vội vàng tìm cho mình một mối quan hệ. Chúng ta - đặc biệt là thế hệ gen Z sẽ cần làm gì để đối mặt với FOMO?
Thừa nhận hiệu ứng FOMO: Thừa nhận cảm giác bất an hay lo lắng sợ bỏ lỡ của bản thân có nghĩa là bạn đã sẵn sàng đối mặt với nó. Khi tâm lý của bạn đã chuẩn bị để đón nhận mọi thông tin tích cực lẫn tiêu cực , bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn (không quá choáng ngợp) khi thực sự nghe chúng.
Tắt thông báo điện thoại: Thay vì để thông tin không quá quan trọng bủa vây bạn, hãy nghỉ ngơi và xác định lại mối quan tâm của mình.
Dành thời gian cho bản thân: Ngoài giờ làm việc, bạn có thể đọc sách, trồng cây, chơi với thú cưng hoặc làm bất cứ điều gì khiến bản thân vui vẻ. Thậm chí bạn có thể có những thời gian không làm gì cả, miễn là bạn cảm thấy thoải mái, thư giãn và chúng có ích cho việc sạc lại năng lượng bên trong bạn.
Chúng ta hầu hết đều sợ bị tụt lại phía sau khi cả thế giới đang mỗi ngày một đổi thay, mỗi ngày lại một màu một vẻ. Tuy nhiên, việc bạn quá lo sợ bản thân sẽ không bắt kịp những điều mới sẽ khiến bạn càng cảm thấy mệt mỏi hơn. Hãy dành một chút thời gian để chậm lại, thư giãn và tập trung vào những điều bản thân thực sự quan tâm thay vì so đo với người khác và cố gắng bắt kịp tất cả xu hướng chung, như nhà Phật đã nói: “Biết đủ là một cách hạnh phúc.”
Comments